Trong Báo cáo số 796/BC-VTLTNN về Tổng kết thi hành Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP, sau khi tổng hợp các báo cáo kết quả thi hành từ 51/53 bộ, ngành trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực thế quản lý, chỉ đạo trong thời gian qua, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã xây dựng báo cáo tổng kết việc thi hành trình bày tại Hội nghị ngày 10 và 11 tháng 8 năm 2015 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Những ưu điểm và hạn chế được nêu trong Báo cáo như sau:
I.Ưu điểm:
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác văn thư đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo các cấp và cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của công tác văn thư đối với sự chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc hàng ngày của cơ quan, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật về công tác văn thư.
2. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư cơ bản đã quy định đầy đủ về các nghiệp vụ của công tác văn thư, giải quyết được những vấn đề cơ bản, quan trọng từ thực tiễn hoạt động quản lý.
3. Chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản của các bộ, ngành và địa phương ngày càng được nâng cao; việc quản lý văn bản, quản lý và sử dụng con dấu đúng quy định; công tác lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan đã được công chức, viên chức quan tâm thực hiện.
4. Cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác văn thư đã được quan tâm, đầu tư, tập trung vào các công việc trọng tâm như: đầu tư, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, phục vụ cho hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức.
5. Tổ chức, biên chế công chức, viên chức làm công tác văn thư ở các cấp bước đầu được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được chú trọng; trình độ chuyên môn của cán bộ văn thư, lưu trữ được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức và xã hội.
6. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Nội vụ đối với công tác văn thư, lưu trữ, bên cạnh việc xây dựng, ban hành hệ thống văn bản pháp lý, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp tăng cường quản lý, chỉ đạo như: thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức, chỉ đạo việc kiểm tra chéo công tác văn thư, lưu trữ; tổ chức tổng kết định kỳ công tác văn thư, lưu trữ; tổ chức tập huấn các văn bản mới ban hành; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ…
II. Hạn chế
1. Nghị định 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, trong văn bản vẫn còn một số điểm quy định, hướng dẫn nghiệp vụ chưa thống nhất. Những vấn đề quản lý về công tác văn thư phát sinh, đòi hỏi cấp bách trong thực tế vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ, kịp thời như: quản lý văn thư điện tử; chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong công tác văn thư; hướng dẫn nghiệp vụ văn thư phù hợp đối với mô hình doanh nghiệp…gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan trong quá trình thực hiện.
2. Nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan về vai trò, tầm quan trọng của công tác văn thư chưa đầy đủ, chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác này. Vị trí của người làm công tác văn thư chưa được coi trọng; chưa quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách, quy định và đãi ngộ phù hợp cho đối tượng này. Một số công chức, viên chức làm công tác văn thư chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của mình.
3. Việc tuân thủ pháp luật trong công tác văn thư của lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan còn chưa nghiêm, chưa gắn trực tiếp với trách nhiệm và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chưc.
4. Việc thực hiện các nghiệp vụ về công tác văn thư còn một số hạn chế như: chất lượng soạn thảo và ban hành văn bản chưa đáp ứng yêu cầu; cán bộ, công chức, viên chức chưa lập hồ sơ trong quá trình giải quyết công việc hoặc chất lượng hồ sơ thấp; việc nộp lưu tài liệu vào lưu trữ cơ quan chưa đầy đủ, chưa đúng thời hạn; một số cơ quan chưa chấp hành tốt việc báo cáo thông kê về công tác văn thư.
5. Tổ chức văn thư ở các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ở cấp tỉnh trong thời gian qua chưa ổn định, hay thay đổi đã ảnh hưởng đến việc quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác này ở địa phương. Đội ngũ công chức, viên chức văn thư ở một số bộ, ngành và địa phương chưa chuyên nghiệp, phải kiêm nhiều việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết công việc; trình độ chuyên môn của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
6. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư còn hạn chế, mới chỉ sử dụng để đăng ký, quản lý văn bản mà chưa khai thác, phát huy được tính năng ưu việt của công nghệ thông tin phục vụ cho việc điều hành, giải quyết công việc trong môi trường mạng.
Trong phần đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành và địa phương đối với cơ quan quản lý nà nước, Báo cáo số 796/BC-VTLTNN ngày 08 tháng 10 năm 2015 tổng kết các kiến nghị tập trung các nội dung chủ yếu về: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức văn thư và biên chế công chức, viên chức làm công tác văn thư; công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức làm công tác văn thư.
Những nhiệm vụ trong tâm công tác văn thư trong thời gian tới được đề cập trong Báo cáo nêu ra những nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ và Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước, các bộ, ngành địa phương thực hiện trong thời gian tới.
Chi tiết của Báo cáo số 796/BC-VTLTNN ngày 08 tháng 10 năm 2015 xin xem tại đây./.